Nội dung chính
Trẻ con hiện nay rất năng động, ham hoạt động, nên trẻ con hay vấp ngã là chuyện thường gặp, do đó răng cũng dễ bị chấn thương. Răng cửa là răng thường bị chấn thương nhiều nhất do tai nạn giao thông, do tai nạn sinh hoạt va chạm vật cứng như do trẻ ngã khi đang tập đi, lúc chơi đùa như rượt đuổi nhau, chơi thể thao đá bóng…
Do đó vai trò thẩm mỹ rất quan trọng đối với khuôn mặt của trẻ nên dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn, nếu bị tổn thương bật khỏi ổ răng, ta cần phải nhanh chóng đưa con trẻ tới bệnh viện khám Bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được điều trị kịp thời.
Ở trẻ em, các răng vĩnh viễn phía trước bị bật khỏi ổ răng có thể cắm lại thành công, răng được cắm lại càng sớm thì khả năng thành công càng cao. Kết quả thành công khi răng được bác sĩ răng hàm mặt cắm lại trong ổ răng trong vòng 30 phút. Thông thường, thời gian răng ở ngoài miệng lý tưởng cho việc điều trị cắm ghép răng thành công là nửa giờ, nhưng nếu được xử lý tốt, thì dù rơi ra ngoài trên dưới một giờ, kết quả điều trị vẫn khả quan.
Sau đây là những bước thao tác xử lý khẩn cấp ban đầu trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Răng Hàm Mặt
Đối với răng sữa: Cho trẻ cắn gòn nơi ổ răng rớt ra khoảng 15 phút để cầm máu. Răng sữa bị bật khỏi ổ răng thì không nên cắm lại vào xương ổ răng vì có thể sẽ làm ảnh hưởng sự mọc răng sau này của mầm răng vĩnh viễn bên dưới.
Đối với răng vĩnh viễn: Cho trẻ cắn gòn nơi ổ răng rớt ra khoảng 15 phút để cầm máu và tiếp tục làm theo những bước sau đây:
1. Tìm và giữ lại răng bị rơi ra.
2. Rửa sạch răng
Cụ thể, ngay khi răng bị rơi ra khỏi miệng, ngay lập tức phải nhặt răng lên, nhưng lưu ý chỉ cầm phần thân của răng (tức là cái phần giống như bạn thấy được trong miệng mình), cầm răng bằng gạc tẩm nước muối sinh lý, đừng bao giờ cầm ở phần chân răng (tức là phần dài hơn thân răng) để tránh tổn hại dây chằng nha chu vì đây là phần quan trọng giúp cái răng tồn tại trong xương ổ.
Nếu thấy răng bị dơ, rửa sạch với nước muối sinh lý (nước muối 0,9% có bán ở hiệu thuốc), chỉ rửa chứ không cọ xát gì vào phần chân răng. Nếu đất cát bám vào răng, có thể rửa sạch nhẹ nhàng bằng nước sạch. Không được cạo sạch lớp mềm bám trên răng vì nó giúp ích rất nhiều cho việc dính lại răng sau này trong ổ răng.
Không được ngâm răng trong thuốc sát trùng, thuốc tẩy, nước súc miệng hay nước bình thường. Nhiều người dùng xà phòng, cồn hay dùng bàn chải đánh răng để chà rửa, điều này không những không cần thiết mà còn có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả phẫu thuật cắm ghép sau này.
3. Đặt răng trở lại vị trí cũ trong xương ổ răng
Khi răng đã được làm sạch, nếu có thể nên đặt răng trở lại vị trí ban đầu trong hàm bằng cách dùng lực của ngón tay đẩy nhẹ răng vào xương ổ răng, sau đó đặt miếng gòn hay gạc đè lên thân răng mới cắm lại và bảo trẻ ngậm miệng lại từ từ để giữ răng ở tại vị trí đó.
Nếu trẻ quá nhỏ không hợp tác, trẻ có thể bị sặc hoặc nuốt răng đi, không thể thực hiện điều này thì phải giữ răng luôn ẩm trong suốt thời gian trước khi cắm ghép, không được để răng bị khô. Chú ý bảo quản tốt chiếc răng bị rớt bằng cách cho chiếc răng ấy vào một cái ly có đựng nước muối sinh lý 0.9% hay sữa tươi tiệt trùng hoặc nước bọt. Không được bọc răng trong giấy hoặc vải.
Nếu cháu bé lớn, đủ hợp tác thì để răng trong miệng, ngậm răng ở giữa má và xương hàm. Bảo bé ngậm lại và nhớ đừng nuốt răng.
4. Đến cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt gần nhất càng sớm càng tốt.
Nếu bạn không đủ tự tin là mình sẽ cắm răng đúng vị trí (trong trường hợp có nhiều răng rớt ra) hoặc sợ sẽ cắm không đúng phần nào quay ra ngoài, phần nào quay vô trong thì nên bỏ cái răng vào một ly có dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc sữa tươi tiệt trùng.
Sau những thao tác xử lý ban đầu nêu trên, đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt gần nhất càng sớm càng tốt. Tới giai đoạn này thì có thể yên tâm giao cho bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ sẽ nẹp cố định răng khoảng 1 đến 2 tuần hay có thể lâu hơn. Bé tránh không được ăn nhai trên các răng đã được nẹp cố định, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm và cần giữ vệ sinh răng miệng tốt.
Thông thường, thời gian răng ở ngoài miệng lý tưởng cho việc điều trị cắm ghép răng thành công là nửa giờ đầu tiên, nhưng nếu được xử lý tốt, thì dù rơi ra ngoài trên dưới 1 giờ, kết quả điều trị vẫn khả quan.
Biện pháp phòng ngừa răng bị bật khỏi ổ răng
Để phòng ngừa chấn thương răng bị bật ra khỏi ổ răng, các bậc cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở và theo dõi sát hoạt động của con mình, tránh những nơi nguy hiểm, để tránh tổn thương vùng răng cửa khi bị ngã. Phòng tránh như với những trẻ đang tập đi, nên để trẻ chơi ở những nơi rộng rãi, bằng phẳng trống trải; trẻ lớn hơn có thể giải thích cho trẻ những trò chơi nguy hiểm và những rủi ro có thể gặp phải để trẻ tự phòng tránh cho mình.
Cần cho trẻ mang dụng cụ bảo vệ hàm mặt khi chơi thể thao, đội mũ bảo hiểm khi ngồi xe mô tô tham gia giao thông, thắt dây an toàn khi ngồi trong xe hơi.
Khi có tổn thương ở răng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa răng hàm mặt gần nhất để được điều trị kịp thời.
Trên đây là cách xử trí răng trẻ bị bật khỏi ổ răng. Hy vọng rằng bài viết này hữu ích với các bậc phụ huynh.
>>> Xem thêm:
- Dị ứng sữa ở trẻ và những điều cha mẹ cần xử lý
- Chị đã tìm được “tuổi thơ không kháng sinh” cho con.
Mời các bạn xem giấy phép của Bộ y tế TẠI ĐÂY